Hỏi đáp về trà, Kiến thức trà

Những biến động của người làm trà Phổ Nhĩ

Những biến động của người làm trà Phổ Nhĩ

Trà Phổ Nhĩ còn đắt hơn cả bạc. Nhưng nhiều biến động về kinh tế lẫn chính trị khiến cuộc sống của họ không chỉ có toàn màu hồng.

“Mấy thằng này lúc nào cũng kè kè rựa bên người”, anh tài xế la lớn. Khi chiếc xe chở chúng tôi trườn qua con đường lầy lội, và thấp thoáng phía trước là một căn nhà nhỏ xiêu vẹo. Đây không phải là căn nhà bình thường, mà là trạm gác của người địa phương quanh đây. Họ dựng những trạm gác như vậy ở mọi con đường dẫn đến làng của họ. Mọi chiếc xe đi ngang qua đều bị lục soát. Nếu họ tìm thấy những gì họ không thích, thì bạn sẽ được ‘xử lý’ theo cách riêng của họ, và đừng mong gọi được cảnh sát.

Tim của tôi nhảy loạn cả lên khi chiếc xe chở chúng tôi vừa tới trạm gác. Căn nhà xiêu vẹo được xây tạm bợ bằng gỗ và lợp tôn nằm lẻ loi ở ven đường. Xe chúng tôi dừng lại và cả đoàn hồi hộp chờ những tay anh chị với ‘hàng nóng’ bên người xuất hiện. Tuy nhiên cứ đợi mãi chẳng thấy bóng dáng của ai, anh tài xế nhún vai rồi nói “Chắc tụi nó đi đâu đó, hay ngủ rồi cũng nên”. Và thế chiếc SUV hiệu Toyota chở chúng tôi lại vào ga và tiếp tục hành trình trên con đường đất đỏ. Khoảng 10 phút sau, vừa lái xe vừa nghịch điện thoại, anh tài xế lẩm nhẩm “Bây giờ mới bắt đầu vụ xuân thôi.”

Con đường đi vào Tân Ban Chương – một trong những làng nổi tiếng nhất về trà Phổ Nhĩ

Những trạm gác như vậy có thể được bắt gặp ở nhiều vùng núi dọc biên giới với Myanmar. Mỗi trạm sẽ do ít nhất 2 người đàn ông canh gác ngày đêm. Người dân nơi đây dựng những trạm như vậy không phải vì tranh chấp biên giới hay sắc tộc. Mục đích của họ là để bảo vệ một thứ là nguồn thu chính yếu của gia đình họ, của anh em và xóm làng họ. Thứ này có thể có giá trị ngang với bạc, tên là: trà Phổ Nhĩ. Đây là loại trà làm từ lá của cây trà cổ thụ. Một chi trà có thể tồn tại đến vài trăm năm, thậm chí cả nghìn năm. Thứ nước có vị chát, hậu ngọt, được tin là có nhiều lợi ích cho sức khoẻ, có tính hoài cổ này lại đang được giới yêu trà săn đón. Và nhu cầu cao thì kéo theo giá thành cũng tăn cao.

Khi đang trong ca trực, bảo vệ của mỗi trạm gác sẽ đảm bảo rằng không có bất kỳ cánh trà không rõ nguồn gốc nào bị tuồn ra ngoài. Một trong những cách làm trà Phổ Nhĩ ‘giả’ phổ biến đó là đem nguyên liệu kém chất lượng về những núi trà nổi tiếng, đóng bánh tại chỗ. Rồi sau đó lại bán cho thương lái với thương hiệu của núi đó, nhưng với giá rẻ hơn trà chính gốc rất nhiều. Cũng giống như rượu ngon, vùng đất và khí hậu địa phương ảnh hưởng rất nhiều lên chất lượng trà. Cho nên những bánh trà Phổ Nhĩ không rõ nguồn gốc không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập, mà còn làm tổn hại danh tiếng của một vùng trà có tiếng. Vào năm 2008, khi nạn trà Phổ Nhĩ ‘giả’ hành hoành, dân làng mới buộc phải dựng lên những trạm gác như vậy. Họ chủ yếu bắt những người cùng làng khi cố mang trà từ làng khác hay núi khác về làng. Một trong những người phạm luật gần đây nhất phải hiến một con trâu nước, và mở tiệc đãi cả làng. Có người còn bị nặng còn bị đuổi ra khỏi làng, giờ phải sống ở làng khác bên kia núi.

Sau khoảng 15 phút rời khỏi trạm gác, đoàn chúng tôi vào đến Tân Ban Chương, một ngôi làng với khoảng 100 hộ dân thuộc ‘Lục Đại Trà Sơn’ (6 ngọn núi trà nổi tiếng) của vùng Châu tự trị dân tộc Thái Tây Song Bản Nạp. Tây Song Bản Nạp là một châu tự trị (lớn hơn huyện – nhỏ hơn tỉnh) của dân tộc Thái ở phía Tây Nam tỉnh Vân Nam. Giáp với Lào và Myanmar. Bạn đồng hành của tôi Su Yongge, một nhà thực vật học sinh ra và lớn lên ở Vân Nam cho hay, “Vùng này nhìn hoang sơ vậy thôi, chứ vẫn còn đang phát triển hơn trước rất nhiều. Tốc độ phát triển chẳng khác gì tên bắn, tất cả chỉ nhờ duy nhất một loại cây.”

Đợi chúng tôi là Selena Ahmed, một nhà thực vật dân tộc học – chuyên nghiên cứu về ứng dụng của loại cây trồng trong đời sống của một dân tộc. Sau hàng loạt những buổi phỏng vấn kỹ càng với người dân địa phương, Selena nắm rất rõ giá trà Phổ Nhĩ ở Tân Ban Chương, một trong những vùng trà tốt nhất quanh đây. Vào năm 1985, người làm trà nơi đây chỉ được trả khoảng gần 0.5 đô Mỹ (chỉ khoảng 11.000đ) cho mỗi ký trà Phổ Nhĩ vụ xuân. Đến năm 1995 thì giá trà lên khoảng 0.75 đô, rồi 1.46 đô vào năm 2000. Đến năm 2003, Công ty Trà Mãnh Hải của nhà nước ngừng độc quyền nguồn nguyên liệu. Việc này mở ra cơ hội lớn cho người làm trà và doanh nghiệp trà khác.

Những cánh trà Phổ Nhĩ đắt hơn bạc của Tân Ban Chương.

Đến năm 2010, giá của một kg trà Phổ Nhĩ vụ xuân có giá là 220 đô. Giá trà ở trong giai đoạn 2008 đến 2011 bị chững lại do nạn trà Phổ Nhĩ giả hành hoành. Riêng đến mùa xuân năm 2015 thì giá trà cao cấp đã ở mức 713 đô một kg, đắt hơn cả một kg bạc. Và đây chỉ mới là giá bán ra tại nơi sản xuất.

Sự đi xuống của trà Vân Nam khi xưa chủ yếu là do tác động của chuyển biến lịch sử. Từ thời nhà Thanh cho đến giai đoạn Trung Hoa Dân Quốc, trà từ vùng ‘Lục Đại Trà Sơn’ được xem là trân phẩm, được quan chức địa phương ở Tây Song Bản Nạp mua biếu tặng cho quan chức cấp cao ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi Cách Mạng Văn Hoá diễn ra vào giữa thế kỷ 20 với nhiều biến động lớn về văn hoá lẫn chính trị, thì quà biếu trà lại bị lãng quên. Thậm chí ở giai đoạn này, nhiều người Vân Nam còn không biết trà Phổ Nhĩ là gì.

Vườn trà cổ thụ ở Tân Ban Chương.

Trà Phổ Nhĩ bắt đầu hồi sinh mạnh mẽ vào những năm 1990s, khi những người yêu trà đến từ Đài Loan bắt đầu xuất hiện ở Tây Song Bản Nạp để săn những bánh trà tốt nhất nơi đây. Những vị khách Đài Loan này không chỉ đam mê uống trà, mà họ còn rất đam mê tìm hiểu về nguồn gốc cũng như lịch sử của trà Phổ Nhĩ. Làn sóng du lịch mới này khiến người dân cũng như quan chức địa phương nhận thấy tiềm năng to lớn của cây trà cổ thụ. Họ bắt đầu hồi phục và phát triển lại các phương thức làm trà truyền thống, đồng thời thúc đẩy quảng bá hình ảnh trà Phổ Nhĩ là đặc trưng của những vùng đất hẻo lánh của Vân Nam. Họ cố gắng thúc đẩy nhiều thông điệp khi uống trà Phổ Nhĩ. Chẳng hạn như uống trà Phổ Nhĩ là một cách kết nối với quá khứ, với lịch sử, và với cha ông từ ngàn xưa. Vì trà Phổ Nhĩ làm từ lá của cây trà cổ thụ tồn tại qua hàng trăm năm, thế nên uống trà Phổ Nhĩ chính là cách kết nối với quá khứ. Thông điệp khác thì là trà Phổ Nhĩ làm từ cây trà lớn lên ở vùng núi hoang sơ, lớn lên giữa đất trời, không một chút vấn bẩn của nền công nghiệp hiện đại. Cho nên uống trà Phổ Nhĩ chính là cách để trở về với thiên nhiên thuần khiết, trái ngược với cuộc sống xô bồ hiện đại. Marketing là một cách kể chuyện, và những người ở nơi đây đã làm rất tốt việc này.

Khi nền kinh tế của Trung Quốc bùng nổ vào những năm đầu thế kỷ 21, thì những câu truyện về trà Phổ Nhĩ lại trở nên hợp thời hơn bao giờ hết. Ngoài lý do kinh tế, thì lý do vệ sinh an toàn thực phẩm lại càng khiến nhiều người xích gần hơn đến loại trà được quảng cáo là mọc ở những nơi hoang sơ nhất. Vào khoảng giữa thế kỷ 20, thì những đồi trà bạt ngàn được chăm sóc bằng những kỹ thuật canh tác hiện đại nhất (bao gồm phân bón và thuốc trừ sâu), lại được xem là chất lượng cao và là biểu tượng cho sự phát triển. Thì đến đầu thế kỷ 21 thì những cây trà cổ thụ lớn lên ở những khu rừng có ít dấu chân con người nhất, lại được xem tốt nhất. Chưa kể là trà Phổ Nhĩ để càng lâu càng ngon, như rượu vang cao cấp vậy, đây lại là một khía cạnh khác nâng giá trị loại trà này. Khi người Trung Quốc có thu nhập càng cao, thì họ cần phải có kênh để thoả mãn nhu cầu chi tiêu. Đa phần thích nhà, một số khác thích xe đời mới và du lịch nước ngoài. Nhưng không ít trong số đó lại hoài cổ, và trà Phổ Nhĩ có mặt để thoả mãn điều này.

Vào một ngày thứ Bảy vào cuối tháng Ba, tôi cùng với Selena và Su lặn lội đỉnh núi Nan Nựu để chứng kiến một lễ hội báo hiệu cho việc bắt đầu vụ trà xuân. Trong khoảng sân được dọn sạch sẽ trên đỉnh núi, chúng tôi dạo qua hai bên gian hàng dựng sơ sài bằng bàn xếp, nơi mà mỗi gia đình làm trà chào mời khách tham quan gian hàng của riêng họ. Khi chúng tôi ghé lại gần một chiếc bàn nọ, một cậu bé tuổi chừng niên thiếu nhanh nhẩu mời chúng tôi ngồi vào những chiếc ghế đẩu để cạnh bàn. Rồi cậu ta nhanh chóng đổ nước sôi vào một chiếc chén khải bằng sứ đựng đầy lá trà tươi vừa hái. Sau 2 lần rửa lá trà bằng nước sôi, cậu ta mới rót trà từ chén ra những chiếc tách nhỏ bằng thuỷ tinh. Chúng tôi uống lượt nước pha thứ 3 này, Selena thì thầm với tôi rằng lý do của việc uống nước trà ở lượt pha thứ 3 là vì lượt nước này có hương vị tròn đầy nhất, với hậu ngọt như mật ong ở cổ họng.

Người dân diện quần áo sặc sỡ tham dự hội chợ. 

Ngoài chúng tôi thì các thương lái đến từ Trung quốc, Đài Loan, Hồng Kông và các nước Đông Nam Á cũng ghé đến hội chợ này để thử lá trà vừa mới thu hoạch. Tuỳ vào hương vị, hình thức, và nhiều yếu tố khác mà họ sẽ trả giá để mua lại trà từ những người dân nơi đây. Nhiều yếu tố như kỹ thuật canh tác, thành phần dinh dưỡng đất trồng, vi khí hậu của từng ngon núi, hướng núi nhận được nhiều hay ít mưa hoặc nắng – cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng trà.

Đến gần 11 giờ trưa thì khoảng nửa tá các vị bô lão của làng bắt đầu xếp một hàng cùng đồng thanh ca hát các bài hát dân tộc để cảm ơn cho một vụ mùa bội thu. Bọn họ vừa uống vừa chuyền nhau một cốc trà bằng gỗ dành cho nghi lễ, một bô lão thì kẹp chặt một gà trống trong tay, sẵn sàng cắt tiết để cúng. Khoảng 15 phút sau thì những bài hát dân tộc bị lấn át bởi những dàn loa thùng hiện đại. Xuất hiện trên sân khấu bằng gỗ ngay sau đó là môt anh chàng MC chuyên nghiệp với đầu vuốt keo bóng loáng. Trong bộ vest lịch lãm của mình, anh MC với chất giọng Bắc Kinh bắt đầu chào mừng du khách. Và cũng không quên cảm ơn nhà tài trợ chính cho hội chợ, đó là China Mobile, một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc.

Hội chợ hôm nay thu hút khoảng vài trăm khách du lịch, chủ yếu là khách người Trung Quốc, họ là những người có một sự tò mò lớn dành cho nơi sinh ra trà Phổ Nhĩ. Thật sự cũng không khó để nhận ra những người này, nón thể thao và kính mát Rayban hàng hiệu là đặc điểm hay thấy của những người này. Mong muốn của họ khi đến đây đó là tìm thứ gì thuần khiết thuộc về quá khứ. Những vị khách này cùng với người dân địa phương tạo nên một không khí hài hước pha trộn giữa hiện đại và cổ điện. Một anh chàng người Bắc Kinh còn đưa tôi chiếc iPhone để chụp anh ta đứng giữa 2 người đàn ông người địa phương đang trong bộ áo truyền thống với nhiều màu sắc sặc sỡ của họ.

Trung bình thì một gia đình ở Tân Ban Chương bán hơn 100kg trà Phổ Nhĩ một năm, có những nhà bán nhiều thì đến cả 220kg. Mùa vụ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng trà, thế nên trà hái vào vụ xuân thường có giá đắt gấp đôi những vụ mùa khác. Mỗi gia đình nơi đây có thu nhập đều khác nhau, nhưng bình quân thì họ có thể dễ dàng kiếm được đến hơn 50 nghìn đô Mỹ một năm, có nhà còn nhiều hơn. Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ khoảng 7.5 nghìn đô một năm, thế nên thu nhập của người làm trà Phổ Nhĩ nơi đây là là cao hơn thu nhập trung bình của một người Trung Quốc rất nhiều lần.

Một buổi chiều, tôi cùng với Su cùng đứng xem một nhóm công nhân xây dựng nhổ gốc cây, dọn đá và đào đất để chuẩn bị xây biệt thự 2 lầu cho một người dân địa phương. Vốn thông thạo cuộc sống của người dân nơi đây, Su cho tôi biết chi phí để xây một căn nhà như vậy rơi vào khoảng 150 nghìn cho đến 235 nghìn đô Mỹ. Một con số lớn đối với nhiều người, kể cả những người ở những nước phát triển. Mà chủ ngôi biệt thự chuẩn bị xây này đã có 2 nhà rồi, đây là căn nhà thứ 3 của ông ta. Đối với người dân nơi đây thì nhà cao cửa rộng chính là cách họ thể hiện sự giàu có của mình. Cây trà mang đến cho họ thu nhập mà chỉ 20 năm trước thôi họ có mơ cũng không có được. Những căn nhà cao tầng thay thế cho những căn nhà đất với tốc độ chóng mặt, nhiều gia đình sẵn sàng cầm cố vườn trà của mình cho ngân hàng để có tiền xây nhà.

Những căn nhà hiện đại nhanh chóng thay cho nhà tranh vách đất

Rời khỏi khu đất đang chuẩn bị được xây, chúng tôi từ từ đi bộ đến trực đường chính của làng, dọc đường là hàng chục chiếc xe đang chở vật liệu xây dựng đang nối đuôi nhau. Không chỉ một mà có rất nhiều gia đình đang xây nhà mới. Một chiếc SUV hiệu Toyota mới cóng chạy vòng để né đàn lợn đang qua đời. “Chiếc ô tô đầu tiên ở làng này xuất hiện vào năm 2011. Giờ thì cũng chẳng ai nuôi trâu nữa, thay vào đó là những chiếc ô tô đời mới. Hầu như nhà nào cũng có một chiếc”, Su cho hay.

Theo một người sinh ra và lớn lên ở Côn Minh (thành phố lớn nhất của Vân Nam) như Su thì chính sự xuất hiện hàng loạt của những căn nhà như vậy chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển vượt bậc của kinh tế của nơi hẻo lánh này. Những mái nhà lợp rơm đã trôi vào dĩ vãng, thay vào đó là những thiết kế hiện đại mang tính thành thị. Giống như cờ domino vậy, một gia đình bắt đầu và hàng loạt gia đình khác noi theo. Kể cả trong việc kinh doanh trà, lẫn trong chuyện nhà cửa. “Có khi vài năm nữa làng này còn có chỗ đỗ trực thăng cũng nên”, Su cười đùa.

Mặc dù đã có của ăn của để, nhưng người dân của Tân Ban Chương không hề có ý định đến sống ở nơi đô thị phồn hoa. Đối với họ thì thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải đến chơi thì vui đấy, nhưng sống thì phải sống ở ngôi làng nhỏ bé này. Mặc dù có những căn nhà to và rộng như vậy, nhưng khi bước vào nhà thì bạn sẽ thấy nội thất rất là tối giản. Chỉ có vài chiếc giường, bàn ghế bằng tre, kệ gỗ treo tường là thôi. Đối với người Akha thì nhà trống trải như vậy để thu hút linh hồn người đã khuất dọn vào ở. Nội thất đã ít, bóng đèn treo cũng không thật sự sáng khiến căn nhà càng trống vắng.

Những bánh trà mang lại cuộc sống sung túc

Sau khi mặt trời khuất núi thì những con đường ở Tân Ban Chương trở nên tối thui. Mặc dù thu nhập của người dân đây khá cao so với mặt bằng chung, tuy nhiên hệ thống hạ tầng của họ còn rất kém. Đèn đường hay các công trình công cộng khác cũng chưa được cải thiện. Người dân làng chủ yếu dựa vào ánh trăng để đi trong đêm, hoặc đèn pin từ chiếc iPhone đời mới của họ.

Sự phát triển của trà Phổ Nhĩ ở Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại. Lý do chính yếu đó là chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’ khởi xướng bởi chủ tịch nước Tập Cận Bình. Trà Phổ Nhĩ cao cấp là một trong những mặt hàng quà biếu xa xỉ ưa thích của giới quan chức. Với chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay của mình thì ông cũng vô tình làm cho nhu cầu mua trà Phổ Nhĩ bị chững lại. Nhiều lái buôn than thở là trà từ mãi năm trước vẫn không bán nổi. May mắn là giá trị của trà Phổ Nhĩ không bị mất dần theo thời gian. Thế nên hội chợ năm nay vẫn có khách và người làm trà vẫn bán được trà.

Năm nay, người làm trà ở Tân Ban Chương bán sạch lứa trà vụ xuân của họ. Tuy nhiên câu chuyện lại không được lặp lại ở những ngôi làng gần đó. Nhiều ngôi làng vốn dĩ cũng nổi tiếng với trà Phổ Nhĩ ngon, nhưng với lượng tiêu thụ giảm mạnh thì họ lại dần chuyển từ làm trà sang làm ruộng. Lục Đại Trà Sơn có lẽ sẽ không bao giờ biến mất, nhưng với tình hình cứ tiếp diễn như vậy, thì ruộng lúa hay khoai tây lại xuất hiện ở nơi đây nhiều hơn.

TRÀ PHÚC GIA đơn vị sản xuất và cung cấp sỉ lẻ tất cả các dòng trà xanh Tân Cương Thái Nguyên
-Cơ sở sản xuất 1: Xóm Cây Xanh, Xã Quyết Thắng, Tp Thái Nguyên
-Cơ sở sản xuất 2: Xóm Hồng Thái, Xã Tân Cương, Tp Thái Nguyên
-Địa chỉ công ty: Tổ 10 Phường Chùa Hang, Tp Thái Nguyên
-Văn phòng đại diện: Số 43 đường Hoàng Văn Thụ, Thành Phố Thái Nguyên.
-Hotline: 0978362211 zalo hoặc gọi điện trực tiếp để nhận được tư vấn.
-Website: https://traphucgia.com
-Youtube: https://www.youtube.com/@traphucgia9834
-FB: https://www.facebook.com/traphucgia

 

Related Posts

Để lại một bình luận