Hỏi đáp về trà, Kiến thức trà

Đóng góp của trà vào sự hình thành của nước Mỹ

Đóng góp của trà vào sự hình thành của nước Mỹ

Khi các cường quốc có nhiều lợi ích chồng lấn lên nhau thì hệ quả tất nhiên đó chính là tranh chấp. Chiến tranh đã không còn là một sự lựa chọn tối ưu từ nhiều thập kỷ nay, thay vào đó là kinh tế và chính sách chính là mặt trận mới được nhiều quốc gia sử dụng. Trung Quốc và Mỹ hiện nay không phải là kẻ thù, nhưng chắc chắn không phải là đôi bạn thân thiết. Nhưng ít ai biết rằng, trà – loại thức uống mà người Trung Quốc tự hào – lại là một phần của lịch sử nước Mỹ.

Trung Quốc hiện giờ không được lòng dân Mỹ. Theo cuộc khảo sát vào năm 2015 của Pew Survey, chỉ có 38% người Mỹ là có lập trường thân thiện với Trung Quốc. Tổng thống vừa mới đắc cử của Mỹ là ông Donald Trump, thậm chí còn hào hứng gọi Trung Quốc là Chyna chứ không phải là China. Theo Urban Dictionary, thì chyna là tiếng lóng dùng để ám chỉ một cô nàng xinh đẹp và thuỷ chung. Thế nhưng cô nàng này lại quá nóng tính và cứng rắn, và rất dễ bị phật lòng nếu bạn không khéo léo. Không biết ông Trump muốn ám chỉ Trung Quốc ra sao, nhưng qua những bài phát biểu thì ai cũng hiểu ông không ưa gì đất nước này. Ông gọi Trung Quốc là kẻ thủ ác lớn nhất thế giới, kẻ đã giành hết công việc của người Mỹ cũng như tự giảm giá trị đông tiền Nhân Dân Tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Thế nhưng vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ này lại không biết rằng, trà cũng có phần góp vào sự hình thành nước Mỹ ngày nay. Thậm chí George Washington, vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ còn là một người rất yêu trà.

Đồ Trung Quốc bao gồm tranh vẽ tay hay đồ gốm được xem là biểu tượng của sự giàu sang trong cách nhìn của người Anh, những người có ảnh hưởng nhất thời mà nước Mỹ còn nằm dưới sự cai quản của thực dân Anh. Trà nguyên lá từ Trung Quốc từ từ vượt mặt những sản phẩm kia, để trở thành sản phẩm được giới trung và thượng lưu truy lùng nhất. Vào năm 1765, trà còn chiếm tới 90% lượng hàng xuất khẩu của Công Ty Đông Ấn (East India Company), công ty xuất nhập khẩu quyền lực bậc nhất vào thời gian này.

Vào thời điểm mà nước Mỹ chưa trở thành ‘hợp chủng quốc’, thì trà là một mặt hàng hiếm và xa xỉ. Lý do là người Ấn Độ vào thời điểm này vẫn chưa biết trồng trà. Trong khi bây giờ Ấn Độ với vùng trà Darjeeling, là một trong những nguồn trà đen chính của thế giới. Đài Loan và Nhật thì vẫn chưa có được nguồn trà dồi dào. Trà túi lọc thì phải đến mãi 1904 thì mới ra đời. Thế nên toàn bộ các loại trà du nhập vào nước Mỹ vào thời gian này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, thông qua một cảng thuộc tỉnh Quảng Đông ngày nay.

Vốn là một học giả, nên George Washington cũng sở hữu một bộ ấm chén rất đẹp có nguồn gốc từ Trung Quốc, đây là biểu tượng cho người có gu nghệ thuật và trí thức. Tổng thống thứ hai John Adams và thứ sáu của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ là John Quincy Adams, cũng đều là những người thích uống trà. Thomas Jefferson – cha đẻ của bản Tuyên Ngôn Độc Lập và tổng thống thứ ba của Mỹ – là một người rất thích uống trà xanh sản xuất từ tỉnh An Huy (nổi tiếng với trà Long Tỉnh).

Những cái tên đã nêu đều có đóng góp lớn trong cuộc Cách Mạng Mỹ (American Revolution) để giành quyền độc lập từ tay người Anh. Từ năm 1765, nước Anh trở thành một đế chế thực dân lớn hàng đầu thế giới sau khi họ đánh bại Pháp để giành quyền kiểm soát phần lớn khu vực Bắc Mỹ. Thế nhưng họ lại vẫn đau đầu với một cuộc chiến khác, đó là những người thổ dân da đỏ bản địa nổi dậy ở khắp nơi. Chiến tranh rất tốn kém, thế nên thực dân Anh áp đặt một lô thuế lớn cho 13 thuộc địa ở Bắc Mỹ để gầy dựng kinh phí. Người Anh vào khoảng thời gian này quá mải mê với việc mở rộng thuộc địa và gây chiến khắp nơi, thế nên các thuộc địa ở Bắc Mỹ này đã quá quen với việc tự trị mà không màng đến sự hiện diện thực dân Anh. Lô thuế mới này gây phẫn nộ trong lòng người dân Mỹ, vì họ cho rằng người Anh không đại diện cho quốc hội mà họ bầu ra, và không có quyền gì áp thuế lên họ. Vua Anh đành phải cho rút loại thuế mới này đi, nhưng họ vẫn còn để một loại thuế, đó là thuế trà. [1] Và sai lầm này dẫn đến một sự kiện nổi tiếng vào 10 năm sau.

Vào những ngày cuối năm 1773, một nhóm người dân địa phương đã cải trang thành những người thổ dân da đỏ rồi lẻn vào 3 chiếc thuyền hàng của Anh đang neo đậu tại Cảng Boston. Sau khi đột nhập vào những con tàu đầy hàng hoá này, nhóm người vứt 342 thùng trà đắt đỏ xuống biển. Sự kiện này được gọi là “Tiệc trà ở Boston”, đây là cách mà người Mỹ phản ứng trước những chính sách cực kỳ phân biệt của thực dân Anh. Quốc Hội Anh ban hành một điều luật vào năm 1773, khiến cho Công Ty Đông Ấn của người Anh chỉ phải đóng một khoản thuế trà rất nhỏ. Trong khi những công ty nhập khẩu bản địa khác vẫn phải chịu thuế trà cực cao, thậm chí đạo luật mới này khiến giá trà của Công Ty Đông Ấn còn rẻ hơn cả trà nhập lậu. Chính việc ban hành điều luật phân biệt này khiến cho người Mỹ ở Boston phẫn nộ vì sự độc quyền quá đáng của Công Ty Đông Ấn. Khiến người Mỹ phản ứng bằng cách ném luôn những thùng trà xuống biển. Để trả đũa những hành động này, Quốc Hội Anh lại ban hành một bộ luật mới khiến Cảng Boston phải đóng cửa hoàn toàn. Ngoài ra Boston phải chịu sự kiểm soát của quân lính Anh, và những người lính Anh được miễn trừ mọi trách nhiệm nếu họ có vi phạm pháp luật. Chính sách quá đáng này không hề làm run sợ người Mỹ, mà càng khiến họ phản ứng mạnh mẽ hơn. Và Cách Mạng Mỹ bùng nổ vào 2 năm sau sự kiện “Tiệc Trà Boston”.[2]

Cách mạng Mỹ bắt đầu từ năm 1775 và kết thúc vào năm 1783. Người Anh phải ký Hiệp Định Paris 1783 tuyên bố rút quân khỏi Bắc Mỹ, 13 thuộc địa Bắc Mỹ giành được độc lập và thành lập nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nước Mỹ lần đầu tiên được hình thành, và mọi chuyện bắt đầu từ những thùng trà bị đổ xuống biển ấy.

Những thùng trà bị ném xuống biển đều chứa những loại trà ngon đến từ Trung Quốc. Ba gồm 5 loại trà là: bohea, congou, souchong, hyson, và singlo. Có lẽ ngoài souchong (tiểu chủng), một loại trà đen nổi tiếng đến từ núi Vũ Di (tỉnh Phúc Kiến – TQ) thì ít ai nhận ra được tên các loại trà khác. Lý do là đối với những người nhà buôn nước ngoài thì tiếng Trung Quốc quá khó hiểu và khó nhớ. Thế nên họ tự đổi tên trà cho dễ gọi.

Bohea là tiếng đọc trại đi của từ Vũ Di (Wuyi) – vùng trà đen nổi tiếng bậc nhất của Trung quốc hiện nay – vốn đọc là Wu-i hay Bu-i. Bohea là một loại trà đen giá rẻ được làm tại Vũ Di. Congou cũng lại là cách đọc trại đi của từ Gongfu hay Kungfu – vốn ám chỉ loại trà trà này đòi hỏi phải pha theo cách pha trà kungfu của Trung Quốc. Người địa phương Hạ Môn – thành phố ven biển Hạ Môn ngày nay – đọc từ ‘kungfu’ nghe thành Konghu nên lái buôn nước ngoài phiên âm luôn loại trà đen này là Congou. Hyson là một loại trà xanh nghe đồn rất được yêu thích bởi George Washington và Thomas Jefferson. Hyson được đọc lệch theo tên của một người buôn trà Trung Quốc tên là He-Chun Le, có người lại cho rằng He-Chun là tên con gái người buôn trà họ Le này. [2] Souchong hay ‘tiểu chủng’ là tên một loại trà đen có mùi khói đặc trưng và hiện nay vẫn được sản xuất ở vùng trà Vũ Di. Singlo là tên một loại trà xanh giống như Hyson, nhưng do hái vào cuối vụ xuân thay vì đầu xuân như Hyson nên chất lượng không bằng. Tiếc là người viết chưa tìm được tài liệu nào cho biết cái tên singlo bắt nguồn từ đâu.

Việc chiến thắng thực dân Anh đồng nghĩa với việc người Mỹ tự do trong việc nhập khẩu trà của mình. Buôn trà cũng như những sản phẩm đến từ các nước phương Đông rất có lãi, thậm chí những triệu phú đầu tiên của nước Mỹ chính là những nhà buôn sở hữu những đội tàu thuyền lớn. Những chiếc thuyền này cũng chính là phương tiện để chuyên chở những người nhập cư Trung Quốc hay Đông Nam Á đầu tiên đến với nước Mỹ. Đây chính là nhóm nhân công lao động giá rẻ vào thời đó. “Người nhập cư” cũng chính là nhóm người nhận những lời lẽ không mấy tốt đẹp từ Donald Trump, mà ông không biết rằng chính những triệu phú như ông chính là người đưa họ vào nước Mỹ từ xa xưa.

Người Mỹ rất mê uống trà vào giai đoạn sau khi thống nhất. Còn ở bên kia đại dương thì người anh em Anh Quốc lại càng ‘cuồng’ trà hơn nhiều. Người Anh vốn hay dùng bạc để đổi trà, việc này dẫn đến việc thâm hụt nguồn bạc mà thực dân Anh dù vơ vét ở khắp nơi vẫn không đủ. Thế là người Anh phải tìm cách để lấy trà mà không phải đổi bạc nữa, và thứ họ dùng để thay thế bạc đó là nha phiến trồng ở Ấn Độ. Việc này dẫn đến cuộc Chiến Tranh Nha Phiến giữa đế quốc Anh và triều đình Mãn Thanh. Do triều đình Mãn Thanh muốn cấm nha phiến do quan lại và người dân quá sa đà vào chất gậy nghiện này, trong khi đó đế quốc Anh lại muốn tự do kinh doanh nha phiến. Việc này dẫn đến cuộc Chiến Tranh Nha Phiến lần thứ nhất. [4] Đây là một trong những vết nhơ trong lịch sử của nước Anh mà họ không muốn nhắc lại.

Hàng Trung Quốc bây giờ có ở khắp mọi nơi trên thế giới, khi nhắc đến đồ Trung Quốc thì đa số luôn nghĩ rằng đồ rẻ và chất lượng kém. Với nghành sản xuất phát triển mạnh cùng với luật pháp Trung Quốc nới lỏng về sở hữu trí tuệ, gần như đất nước này có thể làm được mọi thứ với giá rẻ hơn rất nhiều. Với trà thì lại là một câu chuyện khác, dù có yêu hay ghét đất nước này thì nhiều người yêu trà cũng phải công nhận là trà Trung Quốc luôn có một bản sắc rất riêng. Mỹ – Trung giờ như nước với lửa. Nhưng lịch sử nước Mỹ luôn có những dòng ghi chép về những thùng trà ngon nằm sâu dưới đáy biển ấy…

Nguồn tham khảo:

  1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Cách_mạng_Mỹ
  2. http://www.history.com/this-day-in-history/the-boston-tea-party
  3. Llewellyn-Jones, R. (2013). Hobson-Jobson: The Definitive Glossary of British India. Asian Affairs, 44(3), 488-490.
  4. https://vi.wikipedia.org/wiki/Chiến_tranh_Nha_phiến

Ý tưởng viết lại lấy từ bài viết “Why Our Founding Fathers Adored Chinese Tea” của Clarissa Wei – cộng tác viên của Munchies.

Mua trà ở đâu uy tín ?
Nếu bạn đang tìm kiếm địa chỉ để chọn mua các sản phẩm trà, thì hãy đến với Trà Phúc Gia để có thể chọn mua ngay cho mình những mẫu sản phẩm uy tín, hương vị thơm ngon, đúng chất, giá rẻ và ưng ý nhất.

Trên thị trường hiện nay, nếu bạn không tinh ý và khôn ngoan bạn sẽ rất dễ bị lạc vào “mê cung” của những sản phẩm kém chất lượng được bày bán tràn lan trên thị trường. Công ty chúng tôi sẽ mang đến cho bạn những sản phẩm tốt nhất, chất lượng 100% tự nhiên không chất phụ gia, giá thành hợp lý cũng như những tư vấn, trải nghiệm và lựa chọn tốt nhất.

TRÀ PHÚC GIA đơn vị sản xuất và cung cấp sỉ lẻ tất cả các dòng trà xanh Tân Cương Thái Nguyên
-Cơ sở sản xuất 1: Xóm Cây Xanh, Xã Quyết Thắng, Tp Thái Nguyên
-Cơ sở sản xuất 2: Xóm Hồng Thái, Xã Tân Cương, Tp Thái Nguyên
-Địa chỉ công ty: Tổ 10 Phường Chùa Hang, Tp Thái Nguyên
-Văn phòng đại diện: Số 43 đường Hoàng Văn Thụ, Thành Phố Thái Nguyên.
-Hotline: 0978362211 zalo hoặc gọi điện trực tiếp để nhận được tư vấn.
-Website: https://traphucgia.com
-Youtube: https://www.youtube.com/@traphucgia9834
-FB: https://www.facebook.com/traphucgia

 

Related Posts

Để lại một bình luận