Hỏi đáp về trà, Kiến thức trà

Biến đổi khí hậu làm mất chất trà

Biến đổi khí hậu làm mất chất trà

“Chất trà đang ngày càng mất đi, và hậu quả sẽ còn khủng khiếp hơn nếu chúng ta không hành động từ bây giờ,” đây là cảnh báo của Selena Ahmed, trợ lý giáo sư ở trường đại học bang Monata. Bà cùng với nhóm nghiên cứu đến từ trường đại học Tufts (thuộc Massachusetts) đã và đang nghiên cứu về những tác động của biến đổi khí hậu lên cây trà. Không chỉ hương vị của trà không còn được như lúc trước, lượng mưa thất thường và nhiệt độ cao khiến cho “nhiều vùng trà trên thế giới không còn làm ra trà ngon được nữa”, bà cho hay.

Alfredo Lin, một người trồng trà người Đài Loan, cũng đồng tình với những nhận định này. Alfredo bắt đầu trồng những cây trà đầu tiên của mình vào khoảng 4 năm trước. Vườn của anh nằm ở Na Đầu, tỉnh lớn nhất nằm ở trung tâm đảo quốc Đài Loan. Chính Alfredo cũng tự nhận thấy rằng biến đổi khí hậu cũng có ít nhiều tác động lên chính vườn trà của anh.

“Năm ngoái mưa nhiều và lớn quá làm ngập hết vườn của tôi,” Alfredo chia sẻ. “Trước giờ có bao giờ như vậy đâu, mưa nhiều làm hư rễ trà hết.”

Mặc dù chỉ mới vào nghề trà được khoảng 4 năm, nhưng Alfredo không phải ‘tay mơ’ trong việc nghề này. Gia đình anh đã trồng trà từ hàng thập kỷ đến nay. Bác gái và bác trai anh đều là những người làm trà Ô Long. Mẹ của anh thì kém may mắn hơn nên chỉ là người hái trà, công việc này cực kỳ vất vả vào những ngày vào vụ thu hoạch. “Các bà mẹ hái trà” là biệt danh mà Alfredo gọi những người phụ nữa làm công việc giống như mẹ anh, họ phải choàng lên mình nhiều lớp áo dài để khỏi bị say nắng khi len mình giữa các luống trà.

“”Tụi trẻ bây giờ chẳng thèm làm mấy công việc như thế này nữa đâu,” mẹ của Alfredo cho biết. “Vừa cực khổ lại còn nóng nực.”

Vườn trà Ô Long ở Đài Loan.

Alfredo chọn Hồng Ngọc #18 – giống trà Ô Long lên men cao phát triển bởi Trạm nghiên cứu và mở rộng trà – để làm giống chủ đạo cho vườn của mình. Các nhà nghiên cứu ở trạm này dùng giống trà thuần của Đài Loan rồi lai với giống Assam đến từ Myanmar để cho ra đời Hồng Ngọc #18. Chính sự kết hợp này đã khiến giống trà này ngoài hương vị đặc trưng của Ô Long đen thì còn có hương quế và vị ngọt nhẹ như mạch nha.

“Sản lượng của trà Hồng Ngọc có thể đạt vào khoảng 500 kg mỗi năm,” Alfredo giải thích. “Nhưng trong hai vụ thu hoạch của năm nay thì tôi chỉ hái 125 kg và 80 kg mà thôi.” Lý do cho việc thu hoạch thấp hơn nhiều so với dự kiến là do thời tiết chuyển mùa một cách bất chợt.

“Ở Đài Loan năm nay thì mùa xuân lạnh kéo dài hơn so với bình thường, rồi nắng nóng bỗng nhiên xuất hiện bất chợt. Nên năng xuất trà giảm mạnh,” giải thích bởi David Tsay, ông là trà sư chuyên về trồng trà hữu cơ và cũng là người giảng dạy ở một số trường đại học ở Đài Loan và Trung Quốc. “Chúng tôi còn phải đối mặt mùa giông bão nữa, mà năm nay không biết vì sao vẫn chưa đến.”

Những nhận định này không phải là của riêng bất kỳ ai. Mà hầu hết người làm trà trên thế giới đều nhận thấy lượng mưa thất thường và nhiệt độ thì cao hơn so với mọi năm. Độ ấm toàn cầu bắt đầu tăng nhanh trong vòng 15 năm qua, còn 2015 được ghi nhận là nóng nhất trong lịch sử.

Mưa nhiều làm giảm hương vị trà

Sự ấm lên toàn cầu tạo nên một lượng mưa lớn trái mùa ở nhiều nơi trên thế giới. Lý do giải thích cho việc này là khi nhiệt độ càng cao thì tầng khí quyển lại giữ hơi nước nhiều hơn (cứ tăng mỗi một độ thì tầng khí quyển lại có thể giữ thêm 4% hơi nước), do đó khi trái đất ấm lên thì tầng khí quyển giữ nước nhiều hơn nên tạo ra mưa nhiều. Những vùng trà lớn trên thế giới như Vân Nam (Trung Quốc), Assam và Darjeeling của Ấn Độ, Nhật Bản hay Việt Nam đều phải trải qua hoàn cảnh tương tự. Việc này rất đáng quan ngại vì cũng như bao loại cây trồng khác, cây trà chỉ cần một lượng mưa nhất định, nếu quá nhiều sẽ gây ra nhiều vấn đề.

“Đối với trà thì mưa quá nhiều sẽ tạo nên hiệu ứng loãng ở chất chuyển hoá thứ cấp”, theo bà Selena cho biết. Nói một cách đơn giản là chất trà sẽ không còn được như bình thường, hương vị và các thành phần hoá học khác của cây trà sẽ ít hơn khi mưa nhiều.

Các bà mẹ hái trà ở Đài Loan. 

“[Chất chuyển hóa thứ cấp] đơn giản là các hợp chất thơm tạo ra hương vị riêng của lá trà, mà hương vị riêng lại là yếu tố chính để tạo nên sự khác biệt giữa loại trà này với loại trà kia,” bà cho biết thêm. “Khi mưa quá nhiều, khả năng sinh thái học của cây trà bị đảo lộn nên chúng không biết lúc nào để sản xuất ra những hợp chất này, thế nên chất trà bị loãng đi.”

Ngoài ra khi mưa nhiều thì lá trà có thể phát triển gấp đôi trong kích thước cũng như cân nặng, tuy nhiên chất diệp lục lại giảm chỉ còn một nửa.

Người làm trà cũng rất biết thích nghi

Việc biến đổi khí hậu thật sự mang lại nhiều tác hại cho cây trà. Thế nhưng không có nghĩa là người làm trà chỉ biết phó mặc cho thời tiết. Những người làm trà cũng rất biết thích nghi, thậm chí họ đã làm việc này từ hàng trăm năm qua. 

Tiêu biểu nhất phải kể đến những người làm trà Phổ Nhĩ sống ở vùng trà Vân Nam (Trung Quốc). Trà Phổ Nhĩ sống là loại trà làm từ cây trà cổ thụ mọc rất nhiều ở Vân Nam (và cả phía Tây Bắc của Việt Nam). Vào mùa mưa khi lá trà không có được hương vị như ý, những người làm trà nơi đây thay vì làm Phổ Nhĩ sống, họ dùng chính lá của cây trà cổ thụ để làm ra trà Ô Long hay trà đen. Lý do là quá trình lên men lá trà khi làm trà Ô Long hay trà đen sẽ phần nào che giấu được việc lá trà ở mùa mưa không có được hương vị như ý. “Rất khó để giấu được sự giảm đi trong hương vị khi làm trà Phổ Nhĩ sống,” bà Selena cho hay. “Với Ô Long hay trà đen thì người làm trà có thể phần nào giấu giếm được sự kém đi trong hương vị của lá trà.”

Nhiệt độ không ổn định là lý do chính của việc khan trà

Không chỉ mưa thất thường, những người làm trà ở Triết Giang và Phúc Kiến (Trung Quốc) còn phải đối mặt với một nỗi lo lớn hơn nhiều đó là nhiệt độ không ổn định.

Vào mùa xuân vừa rồi ở Triết Giang, nhiệt độ khá ấm áp nên cây trà Long Tỉnh (loại trà nổi tiếng đứng đầu Thập Đại Danh Trà của Trung Hoa cổ đại) đâm chồi từ rất sớm. Những tưởng năm nay trà được mùa sớm, không ngờ rằng giá rét cùng với mưa tuyết xuất hiện bất chợt khiến nhiều cây trà bị chết lạnh. mặc dù chất lượng trà vân được giữ nguyên, năng suất thu hoạch của Long Tỉnh lại không bằng so với năm ngoái rất nhiều.

“Cây trà đâm chồi sớm cũng ảnh hưởng đến lịch thu hoạch,” Selena cho biết. “Người làm trà gặp khó trong việc tìm người hái trà (vì họ đang bận ăn Tết âm lịch).”

Làm thế nào để cứu cây trà?

Selena Ahmed đưa ra một số gợi ý để những người nông dân có thể bảo vệ vườn trà của mình trước những tác động của biến đổi khí hậu. Theo bà thì việc đầu tiên cần làm là cây trà nên được trồng trong một môi trường có hệ sinh thái đa dạng (trồng xen kẽ với các loại cây khác). Thay vì mô hình độc canh (chỉ trồng một loại cây) như hầu hết các vườn trà trên thế giới hiện nay, mô hình này khiến cây trà kém đi trong việc chống chọi với sự thay đổi thất thường của môi trường.

“Theo truyền thống ở vùng tây nam Trung Quốc thì cây trà được trồng theo mô hình sinh thái rừng rậm,” Selena giải thích. “Kết cấu nhiều tầng lớp, hay còn gọi là nông lâm kết hợp, giúp ngăn ngừa nhiều loại sâu bệnh.” Mô hình nông lâm kết hợp giúp tối ưu khả năng chống chọi với sự thất thường của thời tiết cũng như mưa.

Ngoài ra bà còn cho rằng cây trà trồng theo phương thức hữu cơ có chất lượng cao hơn so với cách trồng trọt thông thường. “Chúng tôi đã nghiên cứu những vườn trà ở Chiết Giang và Phúc Kiến,” Selena cho hay. “Trà hữu cơ có hàm lượng hóa chất thực vật cao hơn.” Hay nói một cách đơn giản là trà hữu cơ thơm ngon hơn. Điều này không có gì ngạc nhiên vì cây trà hữu cơ lớn lên trong môi trường nhiều khó khăn hơn so với cây trà thông thường. Người làm trà không dùng phân bón hoá học hay thuốc trừ sâu trên cây trà hữu cơ nên chúng phải đổi mặc với nhiều điều kiện khắc nghiệt hơn. Dưới những áp lực này, cây trà hữu cơ bắt buộc phải sản xuất hóa chất thực vật nhiều hơn. Chưa kể là việc sử dụng thuốc trừ sâu khiến tuổi đời của cây trà bị giảm đi, ít thì vài năm còn nhiều có khi vài thập kỷ.

Cây trà chìm trong mưa tuyết.

Đối với những vùng trà hay gánh chịu lượng mưa lớn bất thường thì Selena khuyên người nông dân nên trồng cây trà từ hạt. “Cây trà được trồng từ hạt thường có bộ rễ lớn và dài hơn,” Selena giải thích. Cây trà được trồng từ phương pháp chiết cành có bộ rễ ngắn và nhỏ nên khả năng hấp thu chất dinh dưỡng sâu trong lòng đất cũng kém đi.

Biến đổi khí hậu có thể được xem là mối nguy rất lớn đối với người trồng trà. Thế nhưng một số vùng trà lại xem đây là cơ hội vì chất lượng cũng như giá trà lại cao hơn so với bình thường.

“Hạn hán ngắn hạn có khi lại là điều tốt cho chất lượng trà,” Selena thừa nhận. “[Việc thiếu nước vừa phải] giúp hương vị trà trở nên phức tạp, nhưng nếu kéo dài quá lâu sẽ gây hại cho cây trà.” Bà dẫn chứng rằng trong cuộc hạn hán ở tây nam Trung Quốc vào năm 2012-2013. Ở Vân Nam, người làm trà Phổ Nhĩ còn hét giá cao hơn cho những bánh trà làm từ cây trà bị hạn, những cây trà này nhờ hạn hán mà cho ra lá trà có hương vị phức tạp hơn hẳn.

Trà là nghiên cứu trọng tâm

Thật sự rất khó để chỉ ra được sự phức tạp trong hương vị của những cây nông nghiệp như lúa gạo. Nhưng cây trà thì lại hoàn toàn khác. Trà có quá nhiều thành phần hoá học phức tạp nên chỉ cần một tác động nhỏ trong trồng trọt, chế biến hay kể cả khi pha cũng thay đổi hương vị của trà.

Sự thay đổi thất thường của khí hậu là phần tất yếu của bất kỳ hệ sinh thái nào, thế nhưng những biến đổi này ngày càng khó dự đoán hơn trong khoảng 15 năm qua. Những gì xảy ra với trà chẳng khác gì một thước đo vi mô cho sự thay đổi của thế giới. “Trà là giống loài có thể được xem là thước đo cho biến đổi khí hậu,” Selena cho hay. “Trà có nhiều biến thể cũng khiến nó xứng đáng để nghiên cứu trọng tâm.”

Các trà sư thật sự kinh nghiệm có khả năng chỉ cần uống một tách trà rồi cho biết được lá trà lớn lên trong môi trường như thế nào. Tsay, một trà sư ở Đài Loan, là một trong số những người như vậy. Ông làm việc với những người làm trà ở Đài Loan cũng như Trung Quốc để kêu gọi họ chuyển dần sang mô hình trồng trà hữu cơ. Ông là đại sứ thật sự nhiệt huyết cho việc bảo tồn cũng như mô hình nông lâm kết hợp ở các vùng trà ở Vân Nam.

“Bạn có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt trong hương vị khi người làm ra muốn làm ăn kiểu chụp giựt,” ông cho biết. “Khi chủ vườn muốn tăng năng suất, chất lượng chắc chắn sẽ giảm đi.”

Biến đổi môi trường có 2 bộ mặt khác nhau. Một mặt khiến những người làm trà phải chịu khổ vì năng suất suy giảm, không còn được như trước. Mặt khác khiến người yêu trà lại được lợi, vì sự thay đổi thất thường của khí hậu khiến người làm trà phải nâng cao mô hình trồng trọt, chất lượng trà vì thế cũng sẽ tốt hơn. Vì suy cho cùng cái người uống mong muốn nhất đó là chất lượng của trà.

(lược dịch từ bài viết “The Future of Tea Looks Bleak, Thanks to Climate Change” của Eater.com)

TRÀ PHÚC GIA đơn vị sản xuất và cung cấp sỉ lẻ tất cả các dòng trà xanh Tân Cương Thái Nguyên
-Cơ sở sản xuất 1: Xóm Cây Xanh, Xã Quyết Thắng, Tp Thái Nguyên
-Cơ sở sản xuất 2: Xóm Hồng Thái, Xã Tân Cương, Tp Thái Nguyên
-Địa chỉ công ty: Tổ 10 Phường Chùa Hang, Tp Thái Nguyên
-Văn phòng đại diện: Số 43 đường Hoàng Văn Thụ, Thành Phố Thái Nguyên.
-Hotline: 0978362211 zalo hoặc gọi điện trực tiếp để nhận được tư vấn.
-Website: https://traphucgia.com
-Youtube: https://www.youtube.com/@traphucgia9834
-FB: https://www.facebook.com/traphucgia

Related Posts

Trả lời