Hỏi đáp về trà, Kiến thức trà

CỘI NGUỒN “THÁI NGUYÊN ĐỆ NHẤT DANH TRÀ”

CỘI NGUỒN “THÁI NGUYÊN ĐỆ NHẤT DANH TRÀ”

Từ xa xưa, cây chè (trà) trở nên rất đỗi thân quen với người dân Việt Nam. Chè đã có mặt trong những gánh hàng nước giản dị chốn thôn quê, trong câu ca dao của bà, của mẹ cho đến các áng văn thơ trác tuyệt của văn nhân thi sĩ hay những lúc luận bàn chính sự. Chè Thái Nguyên nổi tiếng từ lâu song tạo nên hương vị đặc trưng nhất là vùng chè đặc sản Tân Cương.

Một câu hỏi đặt ra là trà Tân Cương có từ bao giờ? Những yếu tố nào đã tạo cho trà nơi đây hương vị đặc biệt đến độ được người đời tôn vinh là đệ nhất danh trà và ông nghè Trâu Lỗ (nghè Sổ) có liên quan gì với danh trà ấy mà người trồng chè Thái Nguyên tôn vinh, thờ sống ông, tên tuổi ông nức tiếng gần xa.

Danh thơm ông nghè Trâu Lỗ

Thái Nguyên là vùng đất gắn với cây chè truyền thống. Sản phẩm chè được đem đi khắp các vùng miền và cả thị trường nước ngoài, được những người sành chè và nhiều thị trường khó tính chấp nhận. Nhiều người biết đến danh trà Tân Cương thơm ngon với câu nói “Đệ nhất danh trà”, nhưng ít ai biết rằng ông tổ của nghề trồng chè tại vùng đất này chính là quan Nghè Sổ quê ở làng Trâu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (làng Trâu Lỗ có tên nôm là làng Sổ, vì vậy quan nghè Nguyễn Đình Tuân được nhân dân gọi là nghè Sổ). Tìm về lịch sử, tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên xưa có ngôi đình thờ Nguyễn Đình Tuân. Nhân dân vùng trà đã tôn vinh ông làm thành hoàng làng và thờ sống ông ngay khi còn đương chức nhằm ca ngợi công đức của một vị quan Tuần phủ đã hết mực quan tâm đến cuộc sống nhân dân địa phương.

Ông Bùi Huy Toàn, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Lịch sử – Sinh thái ATK Định Hóa, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong tâm thức nhân dân vùng Tân Cương, hình ảnh ông nghè Sổ đã được tôn vinh là vị Thành hoàng, người đã đem lại cuộc sống ổn định, bình yên cho nhân dân nơi này vào đầu thế kỷ XX, đã được ghi vào sử sách địa phương. Việc này được phản ánh trong cuốn Hương ước làng Tân Cương lập năm 1942. Những tư liệu về sự hình thành và phát triển làng nghề chè Tân Cương đang trưng bày tại Công trình Không gian văn hóa chè phục vụ đón du khách thăm vùng chè Tân Cương và tham dự sự kiện thường niên từ 2-3 năm tổ chức Festival Trà Thái Nguyên theo đề án “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể Trà Thái Nguyên” đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2013.

Theo người già kể lại thì vùng Tân Cương ngày xưa đồi núi mênh mông, hoang vu rậm rạp. Đây là vùng bán sơn địa, mà sơn nhiều, địa ít, dân khai phá nương rẫy, gieo lúa trồng khoai vất vả mà làm nhiều ăn ít, thu nhập chẳng là bao, lắm khi mấy tháng liền không nhìn thấy hạt gạo, chỉ ăn toàn khoai sắn. Thấy vậy, ông nghè Sổ có sáng kiến và bàn với dân Tân Cương đem giống chè về trồng để dân có thêm thu nhập. Theo chỉ dẫn của ông nghè, ông Đội Năm cùng một số trai tráng và mấy người lính của ông nghè đã lặn lội lên vùng Phú Thọ để xin giống chè. Sau nhiều chuyến đi như thế, cây chè Tân Cương cứ nhân ra mãi và chẳng mấy chốc Tân Cương đã khoác lên mình màu xanh mướt của các nương chè.

Điều này trùng hợp với các tình tiết trong tự truyện của ông nghè kể. Tức là trong lúc ông đi nhậm chức Giáo thụ tỉnh Yên Bái, có qua thăm và nghỉ nhà ông Cử Đoàn ở Phú Thọ, vốn là bạn đồng khoa thi hương. Vì thế mà ông nghè biết giá trị kinh tế của cây chè nên đã cử người Tân Cương đến gặp bạn để xin giống chè. Nhưng chè Phú Thọ đem về Tân Cương thì chất lượng khác hẳn, có hương vị riêng không nơi nào sánh được. Chính điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp đã tạo nên hương vị thơm ngon đặc biệt của chè Tân Cương. Vào đầu những năm 20 của thế kỷ trước, Tân Cương đã được thu hoạch vụ chè đầu tiên và có tên là chè Bạch Hạc, có thể là do cây chè giống được lấy từ vùng Bạch Hạc của tỉnh Phú Thọ. Tại cuộc thi Đấu Xảo do chính quyền đô hộ thực dân Pháp tổ chức năm 1935 ở Hà Nội, chè Tân Cương được trao giải đặc biệt mang thương hiệu Cánh hạc – biểu tượng của nền văn hóa con lạc cháu hồng.

Hiện nay vùng chè Tân Cương không chỉ bó hẹp trong xã Tân Cương mà còn lan rộng ra các xã xung quanh như: Tân Thịnh, Thịnh Đán, Phúc Xuân, Phúc Trìu. Theo thống kê,  khoảng 96% dân số trong các xã này trồng và chế biến chè với tổng sản lượng bình quân đạt gần 1 nghìn tấn chè búp khô mỗi năm. Thái Nguyên luôn được xem là vùng chè trọng điểm của cả nước với diện tích, sản lượng chỉ đứng sau tỉnh Lâm Đồng (Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên thì toàn tỉnh có trên 20 nghìn ha đất trồng chè, sản lượng đạt khoảng 200 nghìn tấn chè búp tươi/năm). Với nhiều địa phương trong tỉnh, cây chè còn được coi là cây xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu, làm du lịch không thể thiếu của nhiều gia đình nông dân.

Đến nay nghề trồng và chế biến chè ở Thái Nguyên đã phát triển, trở thành hàng hóa với thương hiệu truyền thống, tạo công ăn, việc làm, thu nhập cao cho người lao động để vùng đất Tân Cương kết hợp với phát triển Khu du lịch hồ Núi Cốc trở thành vùng quê trù phú, cường thịnh như điều mong ước của ông nghè Sổ xưa. Cũng theo ông Toàn: Ngôi đình Tân Cương xưa được nhân dân địa phương khởi công xây dựng vào ngày 10 tháng 2 năm 1922 (năm Nhâm Tuất dưới triều Vua Khải Định thứ 7). Sau một năm đình hoàn thành, tức vào năm 1923.

Ông nghè Sổ lúc ấy đã tặng cho đình một hoành phi khắc 3 chữ Hán: “Đại thắng lợi”  và 1 câu đối có nội dung như sau: “Thái Nguyên giàu đẹp muôn muôn thuở/ Tân Cương cường thịnh vạn vạn niên”. Tất cả được dùng bằng gỗ xà cừ khảm điêu khắc sơn son thiếp vàng và được treo thờ tại đình làng Tân Cương. Nội dung hoành phi, câu đối toát lên sự tin tưởng lạc quan vào tương lai của việc mở đất lập làng, chúc cho dân làng giàu đẹp, cường thịnh. Mỗi năm lễ hội, nhân dân Tân Cương đem lễ vật ra tận công đường cúng lễ ông nghè Sổ. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thái Nguyên là vùng An toàn khu, các cơ quan Trung ương về làm việc, đình Tân Cương cũng nằm trong diện phải tiêu thổ kháng chiến, ngôi đình phải dỡ bỏ giai đoạn 1947-1954. Hiện tại, nền đình vẫn còn và một khung ảnh thờ ông nghè Sổ.

“Thật quý hóa vô cùng, mấy năm trước chúng tôi về quê hương tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân ở làng Trâu Lỗ gặp ông Nguyễn Đức Ấn, cháu hậu duệ đời thứ 3 đã cung cấp cho chúng tôi tư liệu cuốn gia phả dòng họ Nguyễn Đình và ảnh đang thờ của ông Nghè Sổ – tiến sĩ cuối cùng vùng Kinh Bắc, vị tiến sĩ thứ 58 của tỉnh Bắc Giang trong thời kỳ phong kiến triều đại nhà Nguyễn”, ông Toàn cho biết.

Vị quan thanh liêm, chính trực

 

Theo sử cũ, Nguyễn Đình Tuân (1867-1941), tự là Hữu Mai. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, lại thêm thông minh thiên bẩm, Nguyễn Đình Tuân đã sớm nổi danh về tài học, công đèn sách cần cù của ông đã được đền đáp xứng đáng bằng việc đã trở thành Đình nguyên khoa thi năm Tân Sửu, Thành Thái thứ 13 (1901) thời Nguyễn. Ông là vị quan thanh liêm, chính trực; được sinh ra, lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học và có nhân cách thanh cao.  Ông nghè từ nhỏ đã nổi tiếng việc gì cũng để tâm xem xét, ghi nhớ, tỏ rõ trí lực và cốt cách hơn hẳn những đứa trẻ cùng trang lứa. 6 tuổi học 18 ngày đã thuộc Tam Tự kinh, 7 tuổi đã học sách Chu Tứ tiểu học. Lên 8 tuổi học hết bộ Luận ngữ và nửa bộ Mạnh Tử trong pho Tứ thư thì phải bỏ học vì giặc giã, cả nhà phải chạy sang Đa Phúc bên kia sông (Bắc Ninh). Năm 11 tuổi, ông tập làm câu đối thơ, câu đối phú và văn sách. Đến năm 14 tuổi thì học hết pho Bắc sử 27 quyển, pho Tứ thư 8 quyển và Kinh thi, Kinh thư, Kinh Xuân thu, pho tả truyện. Những chỗ học rồi hỏi đâu nhớ đấy, chỉ còn Kinh dịch, Kinh lễ chưa học mà thôi.

Năm Đinh Dậu (1897), dưới triều Vua Thành Thái, Nguyễn Đình Tuân tham gia kỳ thi Hương và đỗ cử nhân. Năm 1901, “thần đồng” làng Trâu Lỗ vào kinh đô Huế thi và đỗ đầu tiến sĩ khoa Tân Sửu, trúng Đình nguyên (nhà Nguyễn không lấy trạng nguyên). Với những người đỗ đạt cao, nhà vua “vời” vào thăm vườn Thượng uyển, cho phép mỗi tân quan hái một bông hoa mình thích để triều đình đúc vàng tặng bông hoa tương ứng cho vị quan đó. Nguyễn Đình Tuân chọn cho mình bông mai màu trắng nhỏ xíu nên ông còn có tên Hữu Mai và cũng là bút danh cho những tác phẩm văn học sau này của ông.

Theo PGS. TS Nguyễn Tá Nhí, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, quan Nghè Sổ có nhiều đóng góp trong sáng tác văn chương và quản lý nhà nước ở giai đoạn giữa thế kỷ XX. Những di văn hiện còn của ông chủ yếu là thơ mừng tặng, thơ tả cảnh, chỉ có 1 tác phẩm liên quan đến chính trị là bài Văn sách thi đình, được tuyển chọn vào cuốn Hội thí văn tuyển và một tác phẩm có nội dung lịch sử là Đại Việt quốc sử cải lương. Trong cuộc đời làm quan, Nguyễn Đình Tuân nổi tiếng là thanh liêm, chính trực, lúc nào cũng giữ nhân cách thanh cao của một nhà Nho chân chính. Trong thời gian làm đốc học tỉnh Hà Đông, ông Nghè Sổ có soạn bộ Đại Việt quốc sử cải lương và đã tặng bộ sách này cho Viễn Đông Bác cổ. Năm 1954, người Pháp rút quân về nước, bộ sách được đem theo. Năm 1960, khi quan hệ Việt Nam – Pháp cởi mở hơn, họ đã trao lại cho phía ta bộ sách này. Hiện tại, bộ sách được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm với 765 trang chữ Hán.

Ông Nghè Sổ mất năm 1941 tại quê nhà, sau đó con cháu và học trò xây lăng miếu thờ ông tại làng Trâu Lỗ. Ở làng Trâu Lỗ hiện còn di tích lăng Nghè Sổ được xây dựng năm 1937. Lăng còn bảo tồn được nguyên vẹn các yếu tố gốc. Hằng năm, vào ngày 20 tháng 6 Âm lịch, dòng họ, nhân dân trong thôn tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ công trạng của ông Nghè đối với quê hương, đất nước. Được biết, con trai duy nhất của ông Nghè là ông Nguyễn Tái Chương hiện đã hơn 90 tuổi đang sinh sống ở Hà Nội. Ghi nhớ công lao ấy, tại TP Bắc Giang hiện có con đường mang tên Nguyễn Đình Tuân.

Ông Bùi Huy Toàn cho biết thêm: “Mấy năm trước chúng tôi đã gặp con trai duy nhất của ông Nghè Sổ là ông Nguyễn Tái Chương  – cử nhân Văn chương trước năm 1945 hiện đang sống ở Hà Nội với con trai. Gia đình ông Nguyễn Tái Chương vẫn gìn giữ như mới nguyên tấm biển “Ân tứ vinh quy”, “Tân Sửu Đình nguyên” vua ban và hoành phi, câu đối của các vị quan đồng triều tặng ông Nghè Sổ.

Để phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của trà Thái Nguyên trong nội dung của đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, dưới góc nhìn bảo tồn văn hóa cũng cần quan tâm đến việc nghiên cứu để phục dựng lại ngôi đình Tân Cương xưa, huy động được sự ủng hộ đóng góp từ các nguồn lực của địa phương hoặc đặt con đường, tên trường được mang tên người có công khai khẩn lập nên làng nghề chè nổi tiếng như ngày nay, để  giáo dục truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây”  đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta, cho các thế hệ mãi mãi”.

Sự kiện Festival Trà là điều kiện thuận lợi để vùng chè Tân Cương – Hồ Núi Cốc thu hút nguồn lực đầu tư, trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn, góp phần đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh giàu đẹp như mong muốn của các bậc tiền nhân. Trong đó, tinh thần yêu nước, nhân cách thanh cao, đặc biệt là lòng hiếu học của ông nghè Trâu Lỗ đến hôm nay vẫn là những bài học còn nguyên giá trị.

Mua trà ở đâu uy tín ?
Nếu bạn đang tìm kiếm địa chỉ để chọn mua các sản phẩm trà, thì hãy đến với Trà Phúc Gia để có thể chọn mua ngay cho mình những mẫu sản phẩm uy tín, hương vị thơm ngon, đúng chất, giá rẻ và ưng ý nhất.

Trên thị trường hiện nay, nếu bạn không tinh ý và khôn ngoan bạn sẽ rất dễ bị lạc vào “mê cung” của những sản phẩm kém chất lượng được bày bán tràn lan trên thị trường. Công ty chúng tôi sẽ mang đến cho bạn những sản phẩm tốt nhất, chất lượng 100% tự nhiên không chất phụ gia, giá thành hợp lý cũng như những tư vấn, trải nghiệm và lựa chọn tốt nhất.

TRÀ PHÚC GIA đơn vị sản xuất và cung cấp sỉ lẻ tất cả các dòng trà xanh Tân Cương Thái Nguyên
-Cơ sở sản xuất 1: Xóm Cây Xanh, Xã Quyết Thắng, Tp Thái Nguyên
-Cơ sở sản xuất 2: Xóm Hồng Thái, Xã Tân Cương, Tp Thái Nguyên
-Địa chỉ công ty: Tổ 10 Phường Chùa Hang, Tp Thái Nguyên
-Văn phòng đại diện: Số 43 đường Hoàng Văn Thụ, Thành Phố Thái Nguyên.
-Hotline: 0978362211 zalo hoặc gọi điện trực tiếp để nhận được tư vấn.
-Website: https://traphucgia.com
-Youtube: https://www.youtube.com/@traphucgia9834
-FB: https://www.facebook.com/traphucgia

Related Posts