Hỏi đáp về trà, Kiến thức trà

7 Loại Trà Cơ Bản Từ Cây Trà (Camellia Sinensis)

7 Loại Trà Cơ Bản Từ Cây Trà (Camellia Sinensis)

Bạn có biết rằng từ cùng một cây trà thì chúng ta thì chúng ta có thể làm ra những loại trà khác nhau. Chính xác hơn là 7 loại trà cơ bản. Chẳng hạn như trà xanh và trà đen là đều được từ lá của cây trà. Khác nhau là cách chế biến.

Việc này giống như từ cùng một hạt gạo thì chúng ta có thể làm ra những loại thực phẩm khác nhau vậy. Từ hạt gạo thì chúng ta cơm, bún hay bánh. Chỉ khác nhau là cách chế biến. Thì lá trà cũng vậy. Từ cúng lá trà thì chúng ta sẽ làm ra được 8 loại trà.

Nếu đã có tìm hiểu về các loại trà cơ bản. Thì có thể bạn đã từng đọc về việc cây trà có 4 hoặc 5 loại trà cơ bản mà thôi. Vì có những loại giống nhau đến hơn 90% về cách làm. Nên hoàn toàn có thể xếp chung nhóm.

Tuy nhiên, nếu bạn thật sự muốn tìm hiểu sâu về trà. Thì đôi khi biết thêm vài phần trăm khác biệt của từng loại. Sẽ mang lại lợi ích lớn trong hành trình ‘chơi’ trà của bạn.

Vì khi dấn thân thật sâu vào đam mê trà thì sẽ có lúc bạn tiếp xúc với nhiều loại trà lạ. Nhưng lúc đó bạn sẽ không còn bỡ ngỡ nữa vì bạn đã được biết trước thông tin cơ bản về loại trà đó rồi.

Bạn có thấy mình gạch dưới chữ “cơ bản” không? Vì đó sẽ là bản chất của thông tin mà bạn có trong bài viết này. Sẽ không có đồ thị loằng ngoằng, nhồi nhét từ ngữ mang tính hàn lâm, hay thông tin ‘vừa dài vừa buồn ngủ’ nào trong bài này.

Mà chỉ là những thứ cơ bản nhất. Một chút lịch sử, một tí xíu mô tả cách làm từng loại trà, và mình sẽ gợi ý một số loại trà mà cá nhân mình thích. (Lại phải gạch dưới để có những người đọc mà như không đọc hiểu rõ)

1. TRÀ XANH

Thường khi nhắc đến trà xanh thì nhiều người hay nghĩ đến lá trà xanh tươi. Loại lá trà tươi mà ở chợ hay siêu thị họ hay bán. Chúng ta mua về rồi nấu với nước để uống.

Thì cách dùng lá trà thuở sơ khai cũng như vậy thôi. Truyền thuyết về sự ra đời của trà cũng như vậy. Thần Nông đang ngồi nấu nước. Thì lá của một chiếc cây gần đó bị gió thổi bay vào nồi nước của ông.

Ông uống thứ nước lá này thì bỗng thấy đầu óc minh mẫn và cơ thể khoan khoái lạ thường. Và cây trà đã được tìm ra bằng cách như vậy (theo truyền thuyết là vậy). Việc chúng ta bây giờ nấu lá trà tươi với nước để uống thì cũng giống ông Thần Nông khi xưa thôi.

Lá trà ban đầu được xem là “thuốc”. Sau đó mới chuyển dịch dần sang làm “thức uống”. Để thuận lợi hơn cho việc bảo quản và vận chuyển  thì lá trà được hấp và đóng thành bánh. Mỗi khi uống thì lá trà được cạy ra, nghiền thành bột, rồi nấu với nước để uống.

Nghe rất quen đúng không? Đây chính là tiền thân bột trà xanh hay matcha mà chúng ta biết hiện nay. Thế nên bột trà xanh không có gì “mới” hay “hot trend” cả. Mà người xưa họ đã dùng trong thời gian dài rồi.

Việc lá trà khi ấy được hấp vào thời gian đó là một sáng tạo rất hay. Vì cách này giúp trà thành phần giữ phần lớn được hương vị cũng như dược tính của lá trà tươi. Chứ nếu đơn giản là chỉ phơi khô lá trà thì sẽ mất hết tính chất của lá trà tươi.

Công đoạn hấp lá trà này giúp chúng ta “diệt men” lá trà. Bạn nên nhớ kỹ từ “diệt men” này vì đây là công đoạn cực kỳ quan trọng của việc làm nên trà xanh.

“Diệt men” là công đoạn loại bỏ thành phần enzyme hay chất xúc tác giữa lá trà và oxy trong không khí. Ở đây là dùng nhiệt độ cao của quá trình hấp. Mất đi chất xúc tác này thì oxy không thể nào chuyển hoá lá trà. Và giúp cho trà thành phẩm của chúng ta có màu sắc và hương vị gần như là lá trà tươi.

Nhược điểm của việc “diệt men” bằng cách hấp này lá lá trà vẫn còn vị ‘ngái’ của lá trà tươi. Thế nên sau này thì người xưa sáng tạo ra cách “diệt men” bằng cách xao chảo. Tức là xào lá trà tươi lên chảo nóng. Việc này giúp loại bỏ vị ‘ngái’ khó chịu này.

Và cách “diệt men” mới này vẫn còn được áp dụng đến tận ngày nay ở các nước. Như Trung Quốc hay Việt Nam. Còn Nhật Bản thì vẫn “diệt men” bằng cách hấp. Lý do họ vẫn áp dụng phương pháp cũ thì là một câu chuyện dài về lịch sử khác.

Sau công đoạn “diệt men” thì còn một số công đoạn khác để có lá trà xanh thành phẩm. Những công đoạn này cũng góp phần rất lớn vào việc tạo hương vị thơm ngon của trà xanh.

Nhiều người hay đặt câu hỏi là nên uống lá trà xanh tươi hay trà xanh khô. Câu trả lời nằm ở chỗ mục đích bạn uống trà là gì. Nếu uống vì sức khỏe thì nên uống lá trà tươi. Vì sau khi chế biến thì trà xanh khô mất khoảng 15% thành phần chống oxy hóa của lá trà tươi.

Còn nếu uống thiên về thưởng thức thì nên uống lá trà khô. Vì chế biến trà không đơn thuần là biến tươi thành khô. Mà đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm để làm nổi bật tinh tuý của trà.

Nếu thích thưởng thức trà xanh thì bạn có thể tham khảo qua Trà Xanh Thái Nguyên. Lý do mình gợi ý trà này thì rất đơn giản thôi. Nhà mình mấy đời trồng và chế biến trà ở Thái Nguyên rồi. Đối với mình thì loại trà xanh ngon nhất luôn là trà xanh Thái Nguyên.

 

Ngoài ra bạn có thể tham khảo Trà Shan Tuyết. Cũng là nhóm trà xanh những làm từ cây trà cổ thụ. Trà xanh Trung Quốc ngon thì có Long Tỉnh hay Bích Loa Xuân. Nhật Bản thì có matcha, gyokuro hay sencha.

2. BẠCH TRÀ

Bạch trà có thể nói là loại trà đơn giản nhất. Vì đây là loại trà có ít công đoạn chế biến nhất. Theo truyền thống thì lá trà này được hái, làm héo và phơi khô.

Loại trà này được tin là ra đời ở Phúc Kiến (Trung Quốc). Chúng ta sẽ nhắc đến Phúc Kiến thêm nhiều lần nữa trong bài viết này. Vì nơi đây chính là cái nơi sinh ra rất nhiều loại cũng như nhóm trà nổi tiếng.

Cái tên ‘bạch trà’ hay ‘trà trắng’ đến từ việc loại trà này hay được làm từ lá của giống trà Đại Bạch. Búp của giống trà này được phủ bởi một lớp ‘lông trắng’. Thế nên bạch trà thành phẩm cũng có màu trắng tự nhiên.

Búp trà cũng chính là phẩm trà cao nhất của bạch trà. Hay còn được gọt là Bạch Hào Ngân Châm ở Phúc Kiến. Phẩm thấp hơn thì bao gồm búp và một số lá kế tiếp. Được gọi là Bạch Mẫu Đơn. Còn phẩm thấp nhất là lá trà già được gọi là Thọ Mi.

Bạch trà không phải là loại trà chỉ có ở Phúc Kiến. Một số vùng khác cũng làm bạch trà. Như ở Vân Nam (Trung Quốc) thì trà búp họ gọi là Ngân Châm. Còn phẩm thấp hơn thì hay được đóng bánh và gọi là Nguyệt Quang.

Ở Việt Nam chúng ta cũng có làm bạch trà. Nhất là những người làm trà ở Hà Giang và Điện Biên. Họ cũng chia phẩm trà tương tự như trên. Cao nhất là búp 100%. Còn thấp hơn là xen lẫn giữa các loại trà. Chất lượng trà cũng rất tốt.

Do không trải qua công đoạn vò nên lớp biểu bì của lá bạch trà gần như là còn nguyên. Thế nên khi pha bạch trà thì bạn nên dùng nhiệt độ cao một chút. Khoảng 90 đến 100 độ C.

Một đặc tính nữa của bạch trà nữa là có thể để ‘lão’ được. Tức là có thể trữ lâu trong nhiều năm. Khoảng 10 đến 20 năm. Nhiều người tin là bạch trà để lâu thì sẽ thành “thuốc”.

Cá nhân mình đang trữ bạch trà thì thấy rằng qua thời gian thì màu nước trà đậm lên. Hương hoa dần chuyển sang hương mật. Vị trà cũng ngọt hơn. Trà khí cũng dịu đi. Còn có thành “thuốc” hay không thì không chắc.

3. HOÀNG TRÀ

Hoàng trà hay trà vàng có thể nói là loại trà ít được biết đến nhất. Bản thân mình thì cũng chỉ uống hoàng trà được vài lần trong đời. Thế nên thông tin về loại trà này thì mình cũng rất mù mờ.

Theo mình được biết thì hoàng trà về cơ bản chính là trà xanh mà thôi. Nhưng có thêm một công đoạn chế biến nữa để loại bỏ hoàn toàn vị ‘tươi’ của trà xanh.

Như đã nói ở trên thì người xưa họ không thích vị lá trà tươi. Vì vị nước trà tươi có vị ‘ngái’ và đắng. Thế nên họ mới sáng tạo ra các công đoạn chế biến để mất đi các vị này. Như xao chảo để mất vị ‘ngái’. Kết hợp với vò để làm giảm vị đắng. Nhờ vậy mà chúng ta có được trà xanh thơm ngon.

Các công đoạn hoàng trà cũng tương tự như trà xanh. Nhưng gần cuối sẽ có thêm một công đoạn nữa đó chính là hấp. Lá trà được hấp, chất thành đống nhỏ, rồi phủ kín khăn lên trên.

Lúc này môi trường nóng và ẩm ở trong đống trà này giúp lá trà ủ nhẹ trong một thời gian ngắn. Nhờ vậy giúp loại bỏ phần lớn vị ‘tươi’ và vị đắng hay thấy ở trà xanh.

Quá trình này khiến cho lá trà mất đi phần lớn chất diệp lục. Nên nước trà thay vì có màu xanh lá như trà xanh. Thì lại có màu vàng sẫm. Thế nên loại trà này mới được gọi là hoàng trà.

Bản thân mình khi uống hoàng trà thì thấy nó không khác trà xanh nhiều. Có khác một chút là hương vị nó trầm hơn. Ít vị tươi và uống ngọt hơn. Vừa giống trà xanh vừa giống một chút trà ô long.

4. TRÀ Ô LONG

Trà Ô Long được xem là loại trà phức tạp nhất. Phức tạp trong khâu chế biến. Vì đây là loại trà lên men một phần, tức là về độ lên men thì loại trà này nằm giữa trà xanh và trà đen. Nên cách chế biến của loại trà này bao gồm nhiều công đoạn. Có một chút giống cách làm trà xanh, một chút giống cách làm trà đen.

Cách làm trà Ô Long khác nhau một chút giữa các vùng trà. Như ở Phúc Kiến nơi loại trà này sinh ra thì cách làm cũng đã khác nhau nhiều rồi. Khác biệt giữa Vũ Di (phía bắc Phúc Kiến) và An Khê (phía nam Phúc Kiến).

Về cơ bản thì lá trà được hái, sau đó được làm héo nắng và héo mát. Làm héo là giai đoạn mà lá trà được trải thành lớp mỏng và phơi ngoài trời và trong nhà. Mục đích của quá trình này là làm giảm lượng nước trong lá trà, làm mềm lá trà và oxy hoá nhẹ lá trà.

Sau công đoạn làm héo thì lá trà sẽ phải trải qua một công đoạn đặc trưng của riêng nhóm trà này. Đó là quay thơm. Quay thơm là công đoạn mà lá trà được cho vào một chiếc thùng hình trụ bằng gỗ. Sau đó quay đều để làm dập lá trà.

Mục đích của công đoạn này là để dịch hay chất trà tràn ra ngoài và bao phủ lá trà. Chất dịch này lại tiếp xúc với không khí và được oxy hoá nhẹ. Nhờ vậy giúp tạo nên hương vị cũng như màu sắc đặc trưng của trà Ô Long.

Công đoạn quay thơm về truyền thống thì được thực hiện khác một chút. Thay vì cho vào thùng tre và quay đều. Thì lá trà được rải đều chiếc nia bằng tre. Sau đó người làm trà sẽ lắc chiếc nia này để lá trà ma sát nhau.

Cách làm này khiến cho viền lá trà Ô Long thành phẩm sẽ có màu đỏ xung quanh lá. Tuy nhiên, hiện giờ ít nơi còn làm như vậy nữa. Vì năng suất không cao.

Sau công đoạn quay thơm sẽ là các công đoạn lên men. Lên men lại tiếp tục là một quy trình thể hiện sự phức tạp của trà Ô Long. Trà Ô Long là nhóm trà có độ lên men khoảng từ 8 đến 80%.

Về truyền thống thì trà Ô Long có độ lên men cao. Khoảng 40 đến 80%. Ngày trước thì tất cả các loại trà Ô Long đều làm theo phương pháp lên men cao kiểu Phúc Kiến. Ở Phúc Kiến và Đài Loan đều làm theo cách này.

Đến năm 1921 thì người Đài Loan họ mới khám phá ra cách để lá trà vừa có vị ngọt, lại vừa có hương hoa tự nhiên không cần ướp. Loại trà này có độ lên men thấp (khoảng 8 đến 18%). Và được đặt tên là Bao Chủng.

Trà Bao Chủng là nhóm trà Ô Long có độ lên men thấp.

Sự ra đời của Bao Chủng tạo nên một phân khúc hoàn toàn mới, đó trà Ô Long lên men thấp. Bao Chủng lúc này được xuất đi chủ yếu đến Việt Nam và Thái Lan. Hương vị đặc trưng của Bao Chủng này khiến cho loại trà này càng ngày càng được cộng đồng quốc tế ưa chuộng.

Sự thành công của các loại trà lên men thấp đến từ Đài Loan khiến cho những người làm trà ở An Khê (Phúc Kiến) phải thay đổi cách họ làm trà. Trà Ô Long Thiết Quan Âm trứ danh thay vì được lên men cao theo kiểu truyền thống. Cũng được làm theo cách lên thấp.

Trà Ô Long Thiết Quan Âm làm kiểu truyền thống (bên trái) có độ lên men cao. Còn trà Thiết Quan Âm làm kiểu hiện đại (bên phải) có độ lên men thấp.

Tuy nhiên, ở Phúc Kiến vẫn có một vùng trà vẫn giữ cách làm Ô Long lên men cao. Đó là Vũ Di với dòng nham trà trứ danh. Nham trà là dòng Ô Long núi đá, được gọi theo địa hình núi đá hiểm trở ở Vũ Di.

Nham trà là nhóm trà Ô Long lên men cao. Lý do Vũ Di họ không thay đổi cách làm sang trà Ô Long lên men thấp là vì thị trường xuất khẩu chính của họ là Châu Âu. Mà trà lên men cao như nham trà thì lại hợp với nước ở Châu Âu hơn nên được ưa chuộng.

Trà Ô Long còn đa dạng ở thành phẩm. Loại trà này thường được thành phẩm ở 2 dạng: lá và viên. Nếu ở dạng lá thì lá sau khi xao sẽ được vò trên tấm nia bằng tre để tạo hình cánh trà cuộn tròn và dài.

Nếu thành phẩm dạng viên thì ba lá trà hoặc nhiều hơn được vò thành viên trà tròn. Vò trà thành viên là kỹ thuật làm trà Thiết Quan Âm truyền thống ở An Khê (Trung Quốc). Sau đó du nhập vào Đài Loan. Rồi đến Việt Nam.

Để pha trà Ô Long thì bạn nên pha trà theo phong cách Công Phu. Cách pha này ra đời ở Phúc Kiến và Triều Sán (Quảng Đông) với mục đích là để pha trà Ô Long.

Nếu thích uống trà Ô Long ngon thì bạn có thể tìm mua trà Ô Long của Việt Nam. Các loại trà như Thanh Tâm, Kim Huyên, Tứ Quý và Thuý Ngọc đều ngon. Đây là những giống trà ngon được du nhập từ Đài Loan. Nhất là Thanh Tâm.

Thanh Tâm là một trong những giống trà đầu tiên xuất hiện ở Đài Loan. Giống này chỉ hợp ở nơi cao và khí hậu trong lành. Nên nhiều loại trà Ô Long Cao Sơn của Đài Loan được làm từ giống này.

Các giống khác đều được Đài Loan phát triển về sau này. Về mặt gen thì Tứ Quý là gần với Thanh Tâm nhất. Nhưng lại có thể phát triển ở những nơi có độ cao thấp. Kim Huyên thì có hương vị ‘ngậy béo’ như sữa nên còn gọi là Ô Long Sữa. Thuý Ngọc thì mùi hương gần gần như hoa sen và hậu vị như trái cây.

Trà Ô Long đến từ Phúc Kiến thì miễn bàn. Như nham trà của Vũ Di thì có hương vị rất đặc biệt. Như hoa dại, mật ong, trái cây, gia vị… Vì họ có cách làm trà riêng. Cộng với việc bảo tồn giống rất tốt mà người ngoài không lấy được. Còn An Khê thì có trà Thiết Quan Âm đã quá nổi tiếng rồi.

5. HỒNG TRÀ

Hồng trà còn có tên gọi là trà đen. Hồng trà là cách gọi của người Trung Quốc, vì họ gọi tên theo màu đỏ của nước trà. Còn trà đen là cách gọi của người phương Tây, họ gọi theo màu đen của cánh trà.

Về đến Việt Nam thì có lúc chúng ta gọi nhóm trà này là hồng trà. Có lúc thì gọi là trà đen. Vì chúng ta bị ảnh hưởng cách gọi của cả 2 nền văn hoá.

Cách gọi nào cũng đúng cả. Nhưng theo mình thì bạn nên gọi hồng trà là chính xác nhất. Vì cái tên ‘trà đen’ đã được dùng để gọi một nhóm trà khác có tên là ‘hắc trà’ (trà đen). Và mình sẽ giới thiệu về loại trà này ngay sau phần này.

Hồng trà là loại trà lên men cao nhất trong các loại trà. Nhiều nơi họ hay định nghĩa hồng trà là loại trà lên men hoàn toàn hay 100%. Điều này không hoàn toàn đúng.

Vì không ai biết được khi nào trà lên men đủ 100% cả. Người làm trà họ cũng chỉ ước lượng mà thôi. Ở Trung Quốc thì độ lên men của hồng trà trên dưới 90%. Còn một số nước như Ấn Độ hay Kenya thì hồng trà mới có độ lên men gần 100%.

Hồng Trà Kỳ Môn – nằm trong Thập Đại Danh Trà.

Lý do mà hồng trà ở một số nước có độ lên men cao hơn Trung Quốc là do yêu cầu của thị trường. Các thị trường như Châu Âu họ thích hồng trà lên men thật cao.

Khi những lô hồng trà đầu tiên được đưa từ Trung Quốc đến Châu Âu vào thế kỷ 17 bằng thuyền. Thì hành trình kéo dài trong nhiều tháng, cộng với độ ẩm cao và nắng nóng, khiến cho các lô hồng trà bị ‘hậu lên men’ thêm. Khiến cho trà đến lúc về đến Châu Âu sẽ bị lên men nhiều hơn khi lúc còn ở Trung Quốc. Và gu hồng trà lên men thật cao ở các nước Châu Âu cũng định hình từ đây.

Do là trà lên men cao nên khâu chế biến của hồng trà xoay quanh. Mỗi nơi sẽ cách làm khác nhau, nhưng về cơ bản thì hồng trà sẽ được lên men ở 1 hoặc 2 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất là khi lá trà vừa mới được hái sẽ được chất đống để làm héo trong khoảng nửa ngày cho đến một ngày. Ở giai đoạn này thì lá trà sẽ lên men rất nhiều. Tuỳ theo thời gian mà độ lên men có thể đạt khoảng 85 – 90%.

Hồng trà còn có một giai đoạn lên men nữa sau khi vò. Có nơi họ lên men lần hai còn có nơi thì không. Trà cũng được chất đống và ủ lên men cho đến gần 100% hoặc đến mức mong muốn của người làm trà.

Hồng trà là nhóm trà tiết hương vị chậm khi pha hơn các loại trà ít lên men hoặc không lên men như trà Ô Long hay trà xanh. Để đạt năng xuất cao và giúp hồng trà tiết hương vị hiệu quả cao hơn thì công nghệ chế biến trà CTC (Cut Tear Curl) ra đời vào năm 1930 ở Ấn Độ.

Hồng trà làm theo phương pháp CTC.

Về cơ bản thì lá trà được băm nhỏ và ủ lên men bằng máy. Nhờ vậy mà năng suất sản xuất cao và trà khi pha thì chất trà tiết ra rất nhanh. Các loại hồng trà chuyên để pha chế hay trà túi lọc đều làm theo phương pháp này.

Còn nếu muốn uống hồng trà ngon theo kiểu thưởng thức thì bạn nên tìm mua hồng trà làm theo cách truyền thống. Ở Việt Nam thì mình đã uống qua hồng trà của những người làm Ô Long ở Bảo Lộc. Hương vị chocolate, trái cây khô và mật ong là điểm nhấn của hồng trà ở đây.

Những người ở vùng trà Shan tuyết ở Tây Bắc thì lại làm hồng trà từ cây trà cổ thụ. Hương vị chính là mạch nha, mật ong và trái cây khô. Mỗi vùng mỗi vẻ và chất lượng đều cao cả.

Hồng trà Shan Tuyết Cổ Thụ

Nếu thích uống hồng trà của Trung Quốc thì bạn có thể tham khảo núi Vũ Di (Phúc Kiến) và Phượng Hoàng (Quảng Đông). Các nhóm trà như Kim Tuấn Mi (búp) và Chánh San Tiểu Chủng (lá) ở Vũ Di. Hồng trà Đơn Tùng ở núi Phượng Hoàng.

6. HẮC TRÀ

Và bây giờ chúng ta sẽ đến với ‘trà đen’ thật sự. Hắc trà là loại trà được tạo ra bởi quá trình ‘hậu lên men’. Trong khi lên men nằm trong quá trình chế biến trà thành phẩm. Thì ‘hậu lên men’ là đem trà đã thành phẩm rồi đi lên men.

Hắc trà vốn dĩ chính là trà xanh thành phẩm. Trà xanh được đem đi ‘hậu lên men’ để tạo nên hắc trà. Quá trình này bao gồm việc trà được chất đống và ủ ướt. Trà được chất thành đống rồi phun nước. Sau đó đậy lớp chăn bên trên.

Lúc này môi trường bên trong đống trà cực kỳ thuận lợi cho các nhóm vi sinh vật sinh sôi và phát triển. Những nhóm vi sinh vật này chuyển hoá các thành phần hoá học của trà. Nhờ vậy mà màu sắc cũng như hương vị trà thay đổi.

Đọc đến đoạn này bạn sẽ nghĩ là cách làm hắc trà cũng giống với hồng trà. Tuy nhiên, quá trình lên men của hồng trà là do tác động phần lớn đến từ oxy. Còn quá trình lên men của hắc trà là do vi sinh đóng vai trò chủ đạo. Cộng với một phần là do độ ẩm và nhiệt độ.

Mục đích của quá trình ‘hậu lên men’ là để mô phỏng lại quá trình trà để lâu qua thời gian. Trà xanh khi để lâu nhiều năm sẽ ‘lão’ đi. Và hương vị sẽ chuyển từ tươi xanh và đắng chát, sang ngọt ngào và dịu dàng.

Thay vì phải đợi hàng chục năm để trà xanh có thể ‘lão’ đến mức như vậy. Thì quy trình ‘hậu lên men’ này có thể rút ngắn quá trình ‘lão’ này chỉ trong vài chục ngày.

Nhiều người sẽ tự hỏi là trà mới không uống. Lại đi uống cái trà bị ép thành trà cũ như vậy. Nhưng đây là gu uống trà của rất nhiều người ở Trung Quốc và Tây Tạng.

Tây Tạng có một thời là thị trường xuất khẩu trà số một của Trung Quốc. Những bánh trà xanh đi theo con đường vận trà tên là Trà Mã Đạo sang Tây Tạng. Do vận trà bằng sức động vật và cả người nữa nên trà đến Tây Tạng phải mất vài tháng và cả năm.

Bánh trà xanh mất nhiều thời gian, rồi trải qua bao nhiều là nắng gió, mới đến được Tây Tạng. Khi đến nơi thì bánh trà bị cũ đi nhiều. Mà thế nào các nhà sư và người dân ở Tây Tạng lại thích vị cũ này hơn.

Có cung thì ắt có cầu. Tây Tạng lúc này lại là khách hàng chính. Nên người làm trà đã sáng tạo ra cách làm trà nhanh cũ đi. Thế là hắc trà ra đời.

Hiện nay thì ở Trung Quốc có một số vùng làm hắc trà nổi tiếng. Một số dòng nổi tiếng mà mình đã từng uống qua bao gồm hắc trà của các tỉnh: Liêu Ninh, Hà Bắc và Hà Nam (của Trung Quốc).

Hắc trà có thể ở dạng trà rời, được để trong sọt tre. Mỗi sọt có thể cả ký hay vài ký. Hoặc trà có thể được đóng ở dạng bánh. Một bánh có thể gần cả ký hay một đòn dài vài chục kg.

Những dạng trà ‘lão’ như hắc trà có thể sẽ có Kim Hoa. Kim Hoa là một dạng nấm có màu vàng. Loại nấm này được tin có nhiều tác dụng tốt và hiếm khi xuất hiện trên bánh trà. Bên bánh trà nào có Kim Hoa xuất hiện thường rất quý.

Tuy nhiên, nắm bắt tâm lý thích Kim Hoa thì người làm trà cũng đã nuôi được loài nấm này. Sau đó cấy bào tử nấm Kim Hoa lên hắc trà để nấm phát triển. Sau đó họ sấy khô cả trà lẫn Kim Hoa.

Nên khi mua hắc trà thì bạn sẽ thấy có những bánh hắc trà tràn ngập Kim Hoa. Thì đây là Kim Hoa được thêm vào. Còn Kim Hoa xuất hiện tự nhiên thì rất hiếm. Nó cũng chỉ mọc thành những đốm nhỏ trên trà chứ không mọc dày và tràn lan.

Hắc trà có vị ngọt. Nước trà rất sệt. Hương thì trộn lẫn giữa cây thuốc, trái cây khô và vị cũ (nhà cũ, đồ vật cũ). Nói chung gu trà này có lẽ không hợp lắm với khẩu vị người Việt. Nên thấy cũng ít nơi bán hắc trà.

7. TRÀ PHỔ NHĨ

Trà Phổ Nhĩ là một nhóm trà được làm từ lá của cây trà cổ thụ. Hay còn được gọi là trà Shan Tuyết hay trà lá to (Đại Diệp Trà). Giống trà này hay mọc ở các vùng núi của Vân Nam (Trung Quốc), Việt Nam, Lào và Myanmar.

Cái tên Phổ Nhĩ bắt nguồn từ thành phố Phổ Nhĩ (ở Vân Nam). Khi xưa thì thị trấn Phổ Nhĩ là trung tâm mua bán và trao đổi trà giữa thương nhân và người làm trà.

Thị trấn Phổ Nhĩ không trồng trà. Nhưng những người làm hay buôn trà ở những vùng xung quanh thường đem trà đến đây để mua bán. Nên lúc này thì trà ở các vùng ở Vân Nam được gọi chung trà Phổ Nhĩ.

Nơi đây cũng là nơi bắt đầu con đường vận trà nổi tiếng, có tên là Trà Mã Đạo. Trà Mã Đạo là con đường buôn bán giống như Con Đường Tơ Lụa. Nhưng ngắn hơn và ít nổi tiếng hơn.

Trà Mã Đạo kết nối giữa Vân Nam với Tây Tạng và Tứ Xuyên. Hệ thống đường này giúp trao đổi nhiều loại hàng hoá. Nhưng nổi bật nhất là trà và ngựa (mã) nên được gọi là Trà Mã Đạo.

Trà Phổ Nhĩ có cách làm gần giống với trà xanh. Các công đoạn thì y như trà xanh nhưng mỗi bước lại khác đi một chút. Như ‘diệt men’ thì trà xanh là ‘diệt men’ hoàn toàn. Còn trà Phổ Nhĩ là ‘diệt men’ không hoàn toàn.

Người làm trà Phổ Nhĩ sẽ không loại bỏ hoàn toàn men hay enzyme trên lá trà. Lá trà Phổ Nhĩ vẫn còn sót lại một phần nhỏ một loại men có tên là polyphenol oxidase (PPO).

PPO cùng với oxy và các vi sinh vật còn sót lại trên lá trà sẽ giúp lá trà chuyển hoá tốt hơn khi để lâu. Trà Phổ Nhĩ có thể để lâu lên đến hàng chục năm. Và Trà Phổ Nhĩ Lâu Năm thường sẽ có giá cao hơn là khi trà còn mới.

Mao trà là dạng trà thành phẩm dạng thô của trà Phổ Nhĩ. Khi mao trà này được đem thì ép thành bánh thì được gọi là Phổ Nhĩ Sống. Còn khi đem mao trà này đi ‘hậu lên men’ thì chúng ta có Phổ Nhĩ Chín.

Từ phần hắc trà ở trên thì chúng ta lại gặp lại cụm từ ‘hậu lên men’. Hậu lên men là khi chúng ta đem trà đã thành phẩm rồi đi lên men. Ở đây thì chúng ta đem mao trà (trà Phổ Nhĩ thành phẩm thô) đem đi lên men.

Cũng giống như hắc trà thì trà Phổ Nhĩ Chín cũng có cách làm tương tự. Trà được chất đống, phun nước, rồi phủ chăn lên trên. Tạo nên môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển.

Mục đích của quá trình này là mô phỏng lại quá trình trữ trà lâu năm trong một thời gian ngắn. Nhờ vậy mà chúng ta có được một loại trà có hương vị gần giống với trà Phổ Nhĩ Lâu Năm.

Nghiên cứu cho thấy đúng là Phổ Nhĩ Chín có thành phần hoá học gần giống với Phổ Nhĩ Lâu Năm. Cho nên hương vị loại trà này cũng hao hao như Phổ Nhĩ Lâu Năm.

Tuy nhiên, giá trị và hương vị của Trà Phổ Nhĩ Lâu Năm vẫn xếp hàng trên. Vì dù giỏi đến đâu thì không người làm trà nào có thể mô phỏng chính xác được sự chuyển hóa tự nhiên trong hàng chục năm của Phổ Nhĩ Lâu Năm được.

Để trữ trà Phổ Nhĩ và giúp trà chuyển hoá tốt nhất thì bạn cần để ý đến 4 yếu tố sau: thoáng mát, nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng. Điều kiện trữ trà Phổ Nhĩ trung tính nhất là độ ẩm khoảng 70%, nhiệt độ khoảng 25 độ C, trà để ở nơi thoáng mát và ít sáng.

Việt Nam luôn có độ ẩm và nhiệt độ cao. Trữ trà Phổ Nhĩ trong điều kiện thời tiết của nước ta được gọi là ‘trữ ướt’. Khi ‘trữ ướt’ thì trà sẽ chuyển hoá nhanh. Những vùng trữ trà Phổ Nhĩ nhiều như Quảng Đông, Hồng Kông hay Malaysia đều thuộc nhóm trữ ướt.

Ngược lại với ‘trữ ướt’ chính là ‘trữ khô’. ‘Trữ khô’ là khi trà Phổ Nhĩ được trữ ở nơi có nhiệt độ thấp và độ ẩm thấp. Lúc này trà Phổ Nhĩ sẽ chuyển hoá một cách rất từ tốn. Những nơi ‘trữ khô trà Phổ Nhĩ nhiều phải kể đến Côn Minh (tỉnh Vân Nam) và Đài Loan.

Về trà Phổ Nhĩ thì Vân Nam là nơi có nhiều vùng trà danh tiếng nhất. Chất lượng trà của những vùng này thì miên bán. Trà thì rất ngon và giá cũng rất đắt. Do đắt đỏ nên những vùng trà nổi tiếng bị nhái rất nhiều. Bán tràn lan cả ở Việt Nam.

Cây trà cổ thụ cũng có mọc ở Việt Nam. Và người làm trà ở nước ta cũng có làm Phổ Nhĩ. Nguyên liệu và cách làm tương tự như ở Vân Nam. Mình đã uống qua trà Phổ Nhĩ từ Hà Giang, Điện Biên và Yên Bái. Chất lượng cao và trữ lâu thì trà cũng chuyển hoá rất tốt.

Mua trà ở đâu uy tín ?
Nếu bạn đang tìm kiếm địa chỉ để chọn mua các sản phẩm trà, thì hãy đến với Trà Phúc Gia để có thể chọn mua ngay cho mình những mẫu sản phẩm uy tín, hương vị thơm ngon, đúng chất, giá rẻ và ưng ý nhất.

Trên thị trường hiện nay, nếu bạn không tinh ý và khôn ngoan bạn sẽ rất dễ bị lạc vào “mê cung” của những sản phẩm kém chất lượng được bày bán tràn lan trên thị trường. Công ty chúng tôi sẽ mang đến cho bạn những sản phẩm tốt nhất, chất lượng 100% tự nhiên không chất phụ gia, giá thành hợp lý cũng như những tư vấn, trải nghiệm và lựa chọn tốt nhất.

TRÀ PHÚC GIA đơn vị sản xuất và cung cấp sỉ lẻ tất cả các dòng trà xanh Tân Cương Thái Nguyên
-Cơ sở sản xuất 1: Xóm Cây Xanh, Xã Quyết Thắng, Tp Thái Nguyên
-Cơ sở sản xuất 2: Xóm Hồng Thái, Xã Tân Cương, Tp Thái Nguyên
-Địa chỉ công ty: Tổ 10 Phường Chùa Hang, Tp Thái Nguyên
-Văn phòng đại diện: Số 43 đường Hoàng Văn Thụ, Thành Phố Thái Nguyên.
-Hotline: 0978362211 zalo hoặc gọi điện trực tiếp để nhận được tư vấn.
-Website: https://traphucgia.com
-Youtube: https://www.youtube.com/@traphucgia9834
-FB: https://www.facebook.com/traphucgia

Related Posts

Trả lời